Trái Đất tươi đẹp vẫn luôn chứa đựng những điều bất ngờ đối với chúng ta, và đây là những hình ảnh đẹp do thiên nhiên tạo ra
Hơi nước ngưng tụ tạo thành các giọt nước siêu nhỏ và kết thành những đám mây mà con người có thể nhìn thấy. Mây thường có màu trắng nhưng cũng có thể có màu xám hay đen nếu chúng quá dày hoặc quá đặc do ánh sáng không thể đi qua. Mỗi ngày hàng triệu đám mây trên khắp hành tinh tạo thành vô số hình dạng thú vị.
Mọi vật chất trong Mặt trời đều ở dạng plasma (loại khí có số lượng các hạt mang điện tích âm và dương bằng nhau). Các phản ứng tổng hợp hạt nhân chuyển hóa hydro thành heli liên tục xảy ra ở tâm Mặt trời. Chúng giải phóng năng lượng ra khỏi bề mặt Mặt trời dưới dạng bức xạ điện từ trường và nơtrino
Cây sồi này sắp gục ngã sau một cơn bão băng. Bão băng hình thành khi một luồng khí nóng bị kẹp giữa hai tầng không khí lạnh (một ở gần mặt đất, một ở trên cao). Hơi nước ở tầng trên cùng ngưng tụ thành tuyết và rơi xuống, nhưng khi tới lớp khí nóng tuyết lại tan thành những giọt mưa. Sau đó, khi tới tầng khí dưới cùng, nó trải qua một quá trình gọi là "siêu làm lạnh". Quá trình đó khiến các giọt nước có nhiệt độ âm, nhưng vẫn tồn tại ở dạng lỏng. Khi những giọt nước lạnh bất thường này chạm đất, chúng tạo thành lớp băng xung trong suốt quanh những thứ mà chúng bao bọc.
Người ta nói rằng không có hai bông tuyết giống hệt nhau. Mặc dù chưa có nhà khoa học nào chứng minh được điều này, song những bông tuyết cho thấy sự sáng tạo của tự nhiên không chỉ đa dạng mà còn chính xác tuyệt đối.
Những động băng như thế này ở Iceland (Băng đảo) trông giống hang đá thông thường, nhưng thực tế không phải vậy. Hang đá hình thành sau hàng nghìn năm, trong khi một động băng có kích cỡ như nhà thờ lớn có thể được tạo ra bởi nước đóng băng trong một năm, thậm chí vài tháng. Khác với hang đá, động băng có thể biến mất trong vài tuần.
Đoạn lấn biển mang tên Giant ở Ireland được làm từ 40.000 viên đá bazan. Phần lớn chúng có 6 cạnh, nhưng nhiều viên có 7 và 8 cạnh. Những viên đá này được hình thành sau những đợt phun trào của núi lửa cách đây 50-60 triệu năm. Khi nham thạch bazan nóng chảy nguội dần, chúng tạo thành những viên đá có hình đa giác đều. UNESCO đã công nhận địa danh này là di sản thế giới vào năm 1986.
Một tháp đá vôi trên bờ biển thuộc bán đảo Coromandel, New Zealand. Vốn là đá trầm tích cứng, đá vôi là thứ cuối cùng bị bào mòn trong số những tác phẩm mà thiên nhiên tạo ra bằng đá trầm tích. Đặc tính này của đá vôi khiến nó trở thành vật liệu xây dựng được ưa thích trong nhiều thế kỷ. Người Ai Cập cổ đại đã dùng đá vôi để xây dựng kim tự tháp.
Một đàn kỳ lân biển bơi giữa những tảng băng ở Bắc Cực. Giống như cá heo, cá voi và cá nhà táng, kỳ lân biển cũng thuộc bộ cá voi. Trên thực tế, chúng là một loại cá voi có răng và ăn các loại cá nhỏ. Con đực có một sừng dài mọc từ mặt và xuyên qua sọ. Nó xoắn ngược chiều kim đồng hồ và liên tục dài ra trong suốt cuộc đời nhưng lại dễ gãy. Chúng thường xuất hiện ở độ sâu 300-400 mét. Vì thế, cảnh một đàn kỳ lân biển nổi lên mặt nước là hình ảnh hiếm.
Nước từ các tảng băng tan tạo thành một dòng sông ở đảo Greenland. Các khối băng tan chảy rất nhanh và trong nhiều trường hợp, nước từ băng có thể tạo thành những dòng chảy. Nước cũng có thể len lỏi vào các khe nứt trong khối băng và lọt xuống đất. Tại đó nó thực hiện chức năng của chất bôi trơn, giúp các khối băng chảy ra biển nhanh hơn.
Một mạch nước phun gần sa mạc Black Rock, bang Nevada, Mỹ. Khu vực xung quanh nó từng là một hồ lớn ở thời cổ đại. Giống như động đất và núi lửa, mạch nước phun hình thành dưới tác động của các lực trong lòng Trái đất.